Việc đánh thuế mạnh với nhà đất bỏ hoang, đầu cơ là biện pháp kìm hãm tăng giá bất động sản.
Thời gian qua, giá trúng đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố từ 30-40km đang được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2.
Đơn cử như mới đây, sau 19 tiếng qua nhiều vòng đấu, giá trúng cao nhất tại phiên đấu giá ở khu LK03 và LK04 xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) là 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Lô LK03-06 và LK-4-06 cao thứ 2 đạt 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô đất khác có giá trúng từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, dư âm về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) đến nay vẫn chưa hết nóng, khi lượng người tham gia đông, số hồ sơ đăng ký nhiều, đặc biệt là giá trúng đấu giá cao gấp cả chục lần giá khởi điểm, vượt xa giá trị thực trong khu vực.
Trước thực trạng giá đất tăng liên tục thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, nếu không thể dùng cơ chế hành chính trong việc kiểm soát giá đất thì phải sử dụng đồng bộ các cơ chế thị trường bằng cách thức can thiệp mới.
Theo đó, cần sớm khởi động lại dự án về thuế bất động sản để điều tiết. Có công cụ này, giá sẽ tăng, giảm theo đúng tiêu chí trên thị trường.
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ - cho biết, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa thật sự tập trung vào khía cạnh tài chính cũng như chưa có hệ thống luật thuế hợp lý đối với thị trường đất đai. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ đất, kéo theo đó là những hệ lụy như thổi giá thị trường, tạo cơn sốt "giá ảo" hay nghiêm trọng hơn là bong bóng bất động sản…
Chính vì vậy, để có thể giải quyết những vấn đề còn tiềm ẩn, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giúp đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, việc ban hành Luật Thuế bất động sản theo ông Tú là cần thiết. Đây cũng sẽ là một trong những biện pháp góp phần làm giảm giá đất đai đang tăng cao.
Nếu không sớm có những cải cách thiết thực đối với hệ thống thuế đất thì thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều hệ lụy.
“Việc áp dụng thuế bất động sản vào đời sống xã hội là đòi hỏi tất yếu, tuy nhiên luật phải được xây dựng một cách hợp lý, xem xét cẩn trọng và có lộ trình thực hiện phù hợp” - ông Tú phân tích.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh, nếu cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai thực hiện trên cơ sở bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá nhà đất vẫn chỉ tăng không giảm.
Nhìn nhận từ thực tế, ông Hiếu nhấn mạnh, không chỉ là cần thiết mà rất cấp bách trong việc ban hành chính sách thuế với bất động sản, mà trước đây gọi "nôm na" là đánh thuế với căn nhà thứ hai. Căn nhà thứ hai không phải là tiêu chí quyết định, có thể theo số lượng, lũy tiến... nhưng phải công bằng.